Độc quyền: Từ chàng thạc sĩ ngắm hoa đào ở Barcelona đến đạo diễn Đào Đức Thành

Được những cánh đào xuân ở Barcelona thức tỉnh, chàng nghiên cứu sinh Đào Đức Thành bỏ học bổng tiến sĩ về Việt Nam để hành trình đi tìm cái đẹp đưa anh đến với nghề đạo diễn.

Đạo diễn Đào Đức Thành trong hành trình mải miết theo đuổi cái đẹp, tìm tòi cái mới. Ảnh: NVCC.

* Được biết tới gần đây với những MV của ca sỹ Bùi Lan Hương, như Mặt Trăng, Kiều, Ngày mai em sẽ thành ký ức, anh nghĩ mình đang ở đâu giữa một thị trường âm nhạc, nghệ thuật nhiều cạnh tranh và cá tính thưa đạo diễn Đào Đức Thành? Và anh có chiến lược gì để tiến lên hàng đầu hay không?

Trong hơn 10 năm làm việc ở các vị trí khác nhau trong một dây chuyền sản xuất hình ảnh, từ producer đến giờ là đạo diễn, tôi đã làm việc với hầu hết các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam như Thanh Hằng, Sơn Tùng, Đông Nhi – Ông Cao Thắng, Châu Bùi, Khánh Linh… trong các dự án thương mại. Gần đây, tôi đồng hành cùng Bùi Lan Hương trong các dự án cá nhân như “Mặt trăng”, “Ngày mai em sẽ thành ký ức” vì thấy kết nối ngay từ lần đầu gặp ở tư duy nghệ thuật và mục tiêu theo đuổi trong sự nghiệp.

Tôi không nghĩ mình là người có tính cạnh tranh cao và tôi cũng không có mục tiêu gì để trở thành số 1. Tôi hâm mộ những đạo diễn trẻ tài năng của Việt Nam như Uyên Thư, Nhu Đặng, Phương Antiart… nhưng mỗi người có một thế mạnh và hướng đi khác nhau.

Tôi chỉ có một phương châm là biết mình muốn làm gì và làm tốt nhất có thể những điều ấy, vậy thôi. Tôi mong mình có được nhiều bài hát hay để có thể thoả sức sáng tạo ra những sản phẩm mới và mỗi sản phẩm mình làm ra đó là một niềm tự hào. Đó mới là điều quan trọng nhất.

* Nếu lấy luôn ví dụ là hai MV “Mặt trăng” và “Ngày mai em sẽ thành ký ức”, anh đã mang đến một cách tiếp cận như thế nào?

Tôi không dám nói mình là người duy mỹ, nhưng tôi luôn muốn đưa tới những hình ảnh đẹp và gây xúc động cho người xem bằng những ý tưởng của mình. Ngoài ra, tôi muốn những thước phim của mình vừa mang màu sắc thời trang vừa có tính ẩn dụ cao, khiến người xem phải xem đi xem lại và cảm thấy thoả mãn khi nhìn thấy những gì tôi gửi gắm trong đó.

Tư tưởng đó được tôi thực hiện một cách triệt để trong các sản phẩm của mình. Ví dụ như việc gắn 2 hạt ngọc trai trên mắt của Bùi Lan Hương trong MV “Mặt Trăng” vì nó gợi đến tích nàng Mỵ Châu chết, máu được con trai ăn vào và tạo thành ngọc trai. Hay trong “NMESTKU” khi diễn viên Công Dương và Mộng Thường ở bên nhau, trang phục của họ sẽ ấm áp đi với khung cảnh núi đồi, gợi đến mùa thu. Còn khi Công Dương và Bùi Lan Hương ở bên nhau, sẽ là trang phục mùa hè với bối cảnh ở biển xanh mát và lạnh.

Poster của MV “Mặt trăng”, sản phẩm đạo diễn Đào Đức Thành hợp tác cùng ca sĩ Bùi Lan Hương. Ảnh: NVCC.

* Vậy thì theo đạo diễn, điểm mạnh của anh là gì?

Đạo diễn nào cũng cần sự sáng tạo và một gu thẩm mỹ riêng, đó là điều kiện bắt buộc và đó là điều tôi vẫn trau dồi hàng ngày. Tôi nghĩ mình có sự tinh tế nhất định để chú ý tới những điểm nhỏ làm nên sự khác biệt. Và khi onset tôi khá bình tĩnh trước mọi việc, và đó là điều cho tôi sự sáng suốt để nhìn ra cái đẹp mình đang tìm kiếm.

Tôi nghĩ rằng mình có khả năng tự học rất cao qua những công việc mình làm với người khác. Và khi bước chân và việc làm đạo diễn, mọi việc diễn ra với tôi tương đối tự nhiên, trơn tru vì tôi nghĩ mình đã từng bước đi đến vị trí này.

* Đạo diễn Đào Đức Thành có thể tóm tắt về hành trình anh từng bước tiến đến với vị trí hiện nay được không?

Tôi có một khởi đầu chẳng liên quan. Vào đại học, tôi học lớp kỹ sư tài năng ngành hoá của Đại học Bách khoa Hà Nội trước khi được học bổng toàn phần ngành Kỹ sư Truyền thông ở Australia. Sau đó tôi được học bổng thạc sỹ ngành Khoa học Máy tính ở châu Âu trước khi tiếp tục với học bổng tiến sỹ ở Tây Ban Nha. Sau  gần một năm học, tôi bỏ học bổng, bỏ châu Âu tuyệt đẹp để về Việt Nam làm truyền thông và bây giờ tôi là nhà sản xuất, đạo diễn.

Là một người sống dựa rất nhiều vào cảm xúc, tôi thường xuyên đặt cho bản thân câu hỏi “Mình có đang hạnh phúc với những gì mình đang làm không? Và nếu tiếp tục công việc này thì mình sẽ ra sao?”.

Thời điểm ấy là mùa xuân ở Barcelona, mỗi ngày tới trường tôi phải đi tàu một tiếng đồng hồ và thấy trên đường hoa đào nở rất đẹp. Tôi chỉ muốn vác máy ảnh và chạy ra ngoài để ghi lại những khoảnh khắc ấy mà không thể vì tôi bị trói chân trong phòng thí nghiệm 10 tiếng một ngày. Vì vậy, tôi quyết định bỏ về Việt Nam để được theo đuổi một điều khác, khiến mình hạnh phúc hơn, dù lúc ấy, tôi cũng chưa biết về Việt Nam mình có thể làm được công việc gì.

* Vậy năm 18 tuổi, ai là người quyết định chọn trường đại học và ngành học cho anh?

Con đường học thuật của tôi tương đối trơn tru, tôi được tuyển thẳng vào cấp ba và đại học nhờ điểm thi tốt nghiệp gần như tối đa. Để làm bố mẹ vui lòng, tôi thi vào 2 trường đại học khác nơi bố tôi và mẹ tôi công tác nhưng chọn vào thẳng Đại học  Bách Khoa vì 2 lý do: một là có nhiều bạn bè theo học ở đó và hai là ở thời điểm ấy ngành công nghệ thông tin (IT) đang rất hot.

Cũng như rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam, tôi nghĩ rằng khó có thể biết chính xác mình thực sự muốn làm gì và trở thành ai ở thời điểm 18 tuổi. Tôi thích vẽ và có đi học vẽ cùng bạn nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình vẽ đủ đẹp để theo đuổi việc làm nghệ thuật. Còn định hướng nghề nghiệp lúc ấy thực sự rất mơ hồ.

Theo trí nhớ của đạo diễn Đào Đức Thành, cũng như bao bạn trẻ khác, định hướng nghề nghiệp ở tuổi 18 của anh thực sự rất mơ hồ. Ảnh: NVCC.

* Không rõ ngày anh thông báo là đã quyết định bỏ học bổng tiến sĩ, gia đình và bạn bè anh phản ứng ra sao?

Tôi không đấu tranh tư tưởng nhiều khi quyết định về Việt Nam vì đến thời điểm đó tôi cũng đã sống ở nước ngoài 7-8 năm. Tôi biết rằng nếu ở nước ngoài mình sẽ chỉ có thể đi theo lối mòn trong ngành học thuật mình đang theo đuổi và trở thành một mắt xích trong cả cỗ máy đã vận hành trơn tru. Tôi không thể làm những gì mình thích hay thay đổi công việc một cách dễ dàng. Và như thế thì thật bất hạnh.

Nhân một kỳ nghĩ lễ dài, tôi pack hết đồ và bay về Việt Nam. Về đến nơi tôi mới email báo cho giáo sư của mình về quyết định ấy. Tôi cũng nói chuyện ngắn gọn với bố mẹ và mọi người đều ủng hộ quyết định của tôi. Tôi nghĩ mọi người hiểu rằng, không ai có thể hạnh phúc nếu theo đuổi một công việc mình không yêu thích cả. Và thực ra khi mình đã quyết định rồi thì có ngăn cản cũng đã là quá muộn.

* Bây giờ khi nhìn lại khoảng thời gian ở nước ngoài, đạo diễn nghĩ gì?

Tôi vẫn luôn tự hỏi rằng, liệu những năm tháng rong ruổi ở nước ngoài, học những thứ không liên quan tới công việc hiện tại có phí hoài không? Giá như mình đã học một cái gì đó khác thì liệu tôi có tiến xa hơn thời điểm hiện tại không? Nhưng sự thật là những gì đi qua thì không thay đổi được và tôi chọn cách nhìn vào mặt tích cực của vấn đề.

6-7 năm học kỹ thuật và khoa học, điều tôi thấy mình thu gặt được nhiều nhất là khả năng tự nghiên cứu, tìm tòi và tự học. Tôi cũng cảm thấy tự tin hơn khi tiếp cận với công nghệ mới, phương thức mới bởi tôi hiểu những điều căn bản của công nghệ. Tôi không bị choáng ngợp và cảm thấy sợ hãi trước máy móc, phần mềm như nhiều người học nghệ thuật hay truyền thông khác. Tự mình tôi học phần mềm chỉnh sửa ảnh, học dựng phim, học cắt ghép âm thanh chỉ trong vài buổi. Và quan trọng hơn hết đó là vốn sống, thẩm mỹ và góc nhìn mới lạ mình có được từ những năm sống ở nước ngoài.

Tôi là người một khi đã quyết định từ bỏ rồi thì sẽ không hối tiếc. Ngược lại, tôi thấy rất hạnh phúc vì mình đã có một lựa chọn đúng đắn và được làm những gì khiến mình yêu thích hơn mỗi ngày.

Thật ra chưa bao giờ tôi thấy có một động lực nào mạnh mẽ khiến tôi buộc phải thay đổi ngoài việc theo đuổi chính đam mê và niềm vui của mình. Ngay từ khi học đại học, dù học kỹ thuật tôi vẫn đi học thêm các môn nghệ thuật như nhiếp ảnh, hội hoạ, khiêu vũ và coi đó là một phần cuộc sống của mình. Tôi là mệnh thuỷ, đại hải thuỷ – nước biển lớn, nhưng tôi nghĩ, có lẽ mình là một dòng suối thì đúng hơn: luôn mềm mại và thay đổi được trên mọi địa hình. Và tôi cứ chảy miễn là lực hấp dẫn dẫn tôi đi.

Đạo diễn Đào Đức Thành tự thấy bản thân như một dòng suối, luôn chảy mềm mại và thay đổi được trên mọi địa hình miễn là lực hấp dẫn dẫn anh đi. Ảnh: NVCC.

* Làm sao đạo diễn biết đâu mới là thứ anh đam mê khi trong cuộc sống có quá nhiều điều ta muốn làm? Vì được biết anh có hẳn một bộ sưu tập huy chương bộ môn dancesport, bao gồm huy chương đồng quốc gia, rồi được phong kiện tướng. Như vậy vẫn chưa giống đam mê với anh sao?

Điều gì làm cho tim chúng ta đập nhanh, chúng ta làm việc say mê hàng tiếng đồng hồ mà không thấy chán, làm chúng ta suy nghĩ cả đêm không ngủ được và chỉ mong đến sáng để có thể bắt đầu thì đó chính là đam mê. Mỗi khi nhận được đề bài mới, một bài hát mới, tôi luôn cảm thấy rất hào hứng. Có những khi ý tưởng đến ngay lập tức, có khi nó làm tôi mất ăn mất ngủ, tìm một đáp án.

Khiêu vũ cũng là một đam mê với tôi, vì đó là sự chinh phục cái đẹp, là cảm giác biểu đạt được âm nhạc thành ngôn ngữ của cơ thể. Thời gian theo đuổi khiêu vũ của tôi cũng lên tới gần 10 năm nhưng đến một lúc tôi thấy mình phải tạm gác đam mê này lại và tập trung cho những công việc khác.

* Anh có nghĩ mình “bị” đa tài không?

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đa tài. Tôi chỉ nghĩ rằng mình là người có nhiều niềm yêu thích với cái đẹp và may mắn là tôi luôn tìm thấy sợi dây liên kết giữa những gì mình yêu thích với công việc. Như khiêu vũ chẳng hạn, nó giúp tôi rất nhiều trong công việc làm đạo diễn MV, vì tôi hiểu nhạc, hiểu tiết tấu, cảm nhận được âm nhạc nói gì, bên cạnh tầng lớp ý nghĩa mà ngôn từ đưa tới.

Sau khi nhìn thấy tương lai cho sự nghiệp của mình, tôi tạm gác niềm vui với khiêu vũ lại. Nhưng biết đâu, một ngày nào đó tôi quay lại với nó thì sao? (cười)

* Giống như làm toán, mỗi đề bài đều có một lời giải tối ưu để cho ra kết quả nhanh nhất. Đạo diễn có cho rằng hành trình anh đi tìm lời giải cho tình yêu trong công việc quá dọc ngang trăm lối hay không?

Trong cuộc sống này, đâu phải cái gì nhanh nhất lại là điều tốt nhất. Tôi nghĩ rằng số phận mỗi người đều đã được viết trên những vì sao. Thực ra tôi cũng đâu đi tìm lời giải cho tình yêu công việc của mình, tôi để cho nó dẫn lối đấy chứ.

Tôi nhớ những lần đi du lịch với bạn bè, trong khi bạn tôi chỉ thích đi đường chính, đường vẽ trên bản đồ, thì tôi lại thích đi vào các ngõ hẹp, những con hẻm quanh co và rất nhiều bất ngờ. Với tôi đó mới là sự khám phá. Tôi nghĩ rằng mình không phải là một người thích những gì định sẵn, mà luôn mong muốn thay đổi, luôn khao khát tìm tòi cái mới.

* Đạo diễn nghĩ số phận mỗi người đều đã được viết trên những vì sao nhưng anh lại không phải là một người thích những gì định sẵn? Vậy là sao?

Đúng thế, số phận của chúng ta có thể đã được viết trước rồi, nhưng có một điều rõ ràng là đâu ai biết trong lá bài số phận ấy vũ trụ sẽ dẫn mình đến đâu? Bởi vậy nên mình sẽ cứ nghe con tim mình mách bảo. Còn nếu tôi biết số phận an bài cho tôi là một ai đấy, làm một công việc nào đó, giống như ai đó, thì có lẽ tôi đã lại tự tìm cách đi con đường khác.

Việc tìm tòi cái mới, hay thích khám phá nó nằm trong bản năng chứ không phải là mục đích nên tôi luôn làm điều ấy một cách tự nhiên. Chỉ cần chú ý ta sẽ luôn tìm thấy những điều mới và thú vị cho bản thân mình, ngay cả trong những gì tưởng như đã cũ.

Đạo diễn Đào Đức Thành quan niệm luôn có thể tìm tòi ra những cái mới ngay trong những điều tưởng như đã cũ. Ảnh: NVCC.

* Với chiếc CV như hiện tại, chắc đạo diễn không còn lạ lẫm với câu hỏi nếu được làm lại, anh có muốn thay đổi điều gì hay không, hoặc anh có theo đuổi nghệ thuật từ sớm hơn không?

Bản thân tôi cũng đặt câu hỏi ấy với mình chứ. Tất nhiên là ở thời điểm hiện tại với công việc mình đang làm, tôi sẽ ước rằng mình sẽ học cái này, cái kia sớm hơn và nghiêm túc hơn thì có thể bây giờ tôi đã ở một bước tiến xa hơn chẳng hạn. Nhưng cuộc sống mà, nếu tôi bắt đầu nghệ thuật sớm hơn có khi bây giờ tôi lại chẳng làm công việc này nữa thì sao? (cười lớn)

* Anh nghĩ sao về quan điểm những gì đã xảy ra trong quá khứ tạo nên chúng ta của ngày hôm nay?

Có một bài hát tôi rất thích tên là “The Story”, với nội dung là: “Tất cả những nếp nhăn trên gương mặt này kể cho bạn câu chuyện về tôi là ai, những câu chuyện về nơi tôi đã đi qua và tôi đã làm thế nào để đến đây ngày hôm nay. Nhưng điều ấy chẳng có ý nghĩa gì cả nếu những câu chuyện này không thể kể cùng ai…”.

Tất nhiên chúng ta là phản chiếu của những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần biết chúng ta là ai ngày hôm nay và trong tương lai để luôn phấn đấu hơn nữa. Những gì trong quá khứ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu đó không phải là một bài học đáng giá cho bản thân bạn hay một câu chuyện hay để chia sẻ cùng mọi người.

Hiện tại, tôi tạm hài lòng với cuộc sống và đam mê của mình vì nó mang tới cho tôi niềm vui và một cuộc sống có thể nói là thoải mái. Tuy nhiên, tôi nghĩ là mình không nên “tự thoả mãn” với cuộc sống vì nó sẽ triệt tiêu cố gắng của mình. Cần phải luôn có điều gì đó chưa đạt được để bạn cần phải phấn đấu hơn nữa và phát triển bản thân nhiều hơn.

Với đạo diễn Đào Đức Thành, chúng ta là phản chiếu của những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần biết chúng ta là ai ngày hôm nay và trong tương lai. Ảnh: NVCC.

* Ngoài kia không ít bạn trẻ đang phân vân trước ngưỡng cửa cuộc đời. Sóng bắt đầu từ gió nhưng gió bắt đầu từ đâu? Họ nên chọn đam mê hay chọn gì khi mà tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, theo anh?

Đừng ngại trải nghiệm và theo đuổi những gì bạn muốn khi còn trẻ vì đó là khi bạn có thể mắc sai lầm. Và không bao giờ quá muộn để làm một công việc khiến bạn hạnh phúc.

Xin cảm ơn đạo diễn Đào Đức Thành vì câu chuyện đại hải thủy mà ngỡ như con suối. Chúc cho dòng chảy sáng tạo dưới sự dẫn lối của lực hấp dẫn sẽ luôn dẫn anh tìm ra nhiều suối nguồn cảm hứng hơn nữa.

Bài viết liên quan