Trong hành trình du lịch tới Đà Nẵng, Oops Banana có cơ hội tìm hiểu về nghề khai thác, sơ chế rong biển Nam Ô, loại đặc sản tiến vua nức tiếng xa gần.
Trong chuyến du lịch Đà Nẵng mới đây, anh chàng YouTuber Oops Banana – tên thật là Phạm Văn Dũ, sinh năm 1992 – chia sẻ với người xem YouTuber về quy trình chế biến rong biển Nam Ô – món đặc sản giàu dinh dưỡng chỉ có tại thành phố được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, theo video đăng ngày 6/1 trên kênh YouTube Oops Banana.
Ghé thăm bãi biển Nam Ô, Oops Banana có cơ hội tìm hiểu về rong biển Nam Ô (người địa phương gọi là mứt) mọc trên những ghềnh đá dọc chân núi Hải Vân. Người dân làng Nam Ô vào mùa biển động sẽ mưu sinh bằng cách thu hoạch loại rong biển này.
Theo giới thiệu của anh Phước là người dân địa phương, vùng biển ở Nam Ô có điều kiện lý tưởng để phát triển nghề thu hoạch rong biển. “Ở đây được thiên nhiên ưu đãi là nước biển không mặn lắm, nên rong biển lúc nào cũng ngọt hơn chỗ khác. Rong biển ở đây nấu không cần bột ngọt vẫn ngon”, anh Phước chia sẻ.
Trên các phiến đá nằm rải rác dọc bờ biển, rong lông mềm có có hình dạng giống như thảm lông khổng lồ xuất hiện không ít. Tuy nhiên, loại rong này không mang lại giá trị kinh tế cao. Người dân làng Nam Ô chủ yếu khai thác rong biển đen, thường được tìm thấy ở dưới chân các mỏm đá.
Tiến vào làng chài Nam Ô, Oops Banana được tìm hiểu trực tiếp cách thu hoạch và chế biến rong biển đen. Hành trang để hái loại rong này khá đơn giản. Người dân thường dùng miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, nhỏ vừa bằng lòng bàn tay để cạo mứt biển ra khỏi đá. Công việc này đòi hỏi kĩ thuật rất khéo léo, không phải ai cũng làm được.
“Người ta khai thác trung bình mòn hết cái này, không sử dụng nữa là giá trị 500,000 tiền rong biển”, anh Phước chia sẻ thêm.
Những người hành nghề thu hoạch rong biển ở làng chài Nam Ô đa số trong độ tuổi 50 đến 70 tuổi. Tuổi cao nhưng hàng ngày họ vẫn cần mẫn dậy sớm đi thu hoạch và còn được mệnh danh là “huyền thoại ăn mứt”.
Sau khi thu hoạch, rong biển được rửa trong nước ngọt, vắt ráo và phơi khô trên nong, nia. Nếu muốn đẩy nhanh tốc độ, người dân sẽ phơi rong biển trên lưới sắt. Cách làm này cũng giúp người dân di chuyển và sắp xếp rong biển thuận tiện hơn. Vào những tháng cận Tết, giá 1kg rong biển khô vào khoảng 2,8 triệu đồng còn rong biển tươi thì khoảng 300,000 đồng/1kg.
Người dân Nam Ô thường thu hoạch rong biển ngay từ lúc rong vừa mọc nên hương vị được giữ nguyên. Món ăn thấm vị mặn của biển mang lại nhiều chất dinh dưỡng và có rất nhiều cách chế biến như hầm xương, nấu canh,…
Theo người dân làng Nam Ô, với đặc tính mát, bổ dưỡng, giúp hỗ trợ sức khỏe nên các đầu bếp cung đình triều Nguyễn từng lùng mua rong biển Nam Ô để chế biến thành món ăn. Người xưa quan niệm rằng, rong biển là kết tinh của khí trời, sóng biển và đá ghềnh vì vậy rất quý và hiếm. Cái tên rong biển tiến vua cũng ra đời vì đó.
Chuyến khám phá quy trình thu hoạch và chế biến rong đen ở Đà Nẵng khiến anh chàng Oops Banana vô cùng thích thú. “Hôm nay mình mới biết cách làm rong biển đó các bạn ạ, quá xịn”, cậu bạn tán thưởng.