Thử trải nghiệm thu hoạch lúa theo kiểu của người H’Mông, Huy Hay Đi bất cẩn làm hạt văng tứ phía. Nhưng không sao, người dân chân chất cùng những thửa ruộng bậc thang chín vàng trên Mù Cang Chải tha thứ cho sự lóng ngóng của cậu.
Trong vlog đăng ngày 4/10 trên kênh Youtube Huy Hay Đi, cậu bạn travel blogger Lê Trường Huy chia sẻ về chuyến thăm “vùng đất cỏ khô” Mù Cang Chải ở thời điểm lúa bắt đầu chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang vào cuối tháng 9.
Điểm đến đầu tiên của anh chàng khi ghé thăm vùng đất cách Hà Nội hơn 300 km về phía Tây Bắc là đồi Mâm Xôi Bé, một quả đồi trồng lúa có hình dáng giống món xôi ngũ sắc. Đồng hành cùng Huy là Sinh, một anh bạn người H’Mông. Để lên được quả đồi Mâm Xôi này, hai người lái xe máy trong 30 phút, vượt qua dốc cao, gập ghềnh khó đi. Tuy vậy, phong cảnh kì vỹ nơi đây khiến Huy cảm thấy chút khó khăn đó cũng là xứng đáng.
Mùa vàng
Lúa chín cũng là thời điểm người H’Mông lên rẫy để bắt đầu thu hoạch. Chính vì vậy, ngoài tham quan phong cảnh hùng vĩ của núi rừng, Huy còn có cơ hội làm công việc đồng áng. Nhờ Sinh phiên dịch, Huy nhanh nhẹn đến bên địa điểm làm việc của một hộ dân xin đập lúa cùng và được chấp thuận.
Tuy nhiên, trong lần thử đầu tiên, anh chàng lóng ngóng tay chân, đập sai phương pháp khiến hạt lúa văng hết ra ngoài nông cụ chứa lúa của bà con. Người phụ nữ vừa trót giao lúa cho… Huy vội vàng quay lại cầm tay chỉ việc cho cậu. “Rớt ra ngoài hết rồi mọi người ơi”, anh chàng cười ngượng ngùng.
Khi đã được hướng dẫn và làm mẫu cụ thể là cần đập mạnh tay và gọn ghẽ vào thành chiếc thùng bằng gỗ trước khi đập nhẹ để lúa rớt vào trong, Huy lần thứ hai thử sức làm anh nông dân. Quả nhiên là anh chàng có tiến bộ. Hai người phụ nữ H’Mông đứng bên cạnh theo dõi bật cười, tiếp tục cổ vũ cậu đập lúa. “Cảm ơn cô”, Huy không quên gửi lời cảm ơn gia đình người phụ nữ cho cậu thử nếm mùi thu hoạch lúa.
Đặc sản táo mèo
Ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp của ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Huy còn ghé thăm vườn Táo mèo. Loại táo có vị chua chua chát chát này được trồng khắp các ngọn đồi ở đây. Huy chia sẻ, đây là loại táo giúp thanh lọc cơ thể, giải độc tố, có thể ăn trực tiếp, mang phơi khô hoặc ngâm rượu để uống.
Còn về cái tên táo mèo, anh bạn Sinh tiết lộ vì người Kinh quen gọi người H’Mông là người Mèo nên tên táo ở đây được gọi theo là táo mèo. “Mình tưởng trái táo có màu hay cái gì đó giống con mèo, hóa ra không phải”, Huy bật cười vì lầm tưởng của bản thân.