Khoai Lang Thang xem gia đình Chăm làm bánh truyền thống mùa lễ hội Kate

Đến Ninh Thuận trong những ngày người Chăm chuẩn bị bước vào dịp lễ hội Kate, anh chàng Khoai Lang Thang có cơ hội trải nghiệm cách người dân làm những loại bánh truyền thống.

Khoai Lang Thang ghé thăm gia đình người Chăm để xem làm các loại bánh truyền thống. Ảnh: Khoai Lang Thang.

Ghé thăm gia đình người bạn tên Vũ ở Ninh Thuận trước dịp lễ hội Kate, anh chàng YouTuber Đinh Võ Hoài Phương được trải nghiệm quá trình người Chăm làm các loại bánh truyền thống, theo video đăng trên kênh YouTube Khoai Lang Thang ngày 9/1.

Lễ Kate là một trong những lễ hội quan trọng của đồng bào Chăm Ninh Thuận. Sự kiện được xem như Tết của người Chăm này được tổ chức hàng năm theo Chăm lịch để người dân tưởng nhớ và cảm ơn trời đất, các vị thần linh, tổ tiên, ông bà đã phù hộ, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trước ngày lễ hội diễn ra, các gia đình Chăm sẽ tập hợp lại để cùng nhau làm các món bánh truyền thống như bánh tét, bánh thửng và bánh gừng. Đó cũng là lúc anh chàng Khoai Lang Thang được mở mang tầm mắt.

Bánh tét và bánh cặp của người Chăm

Theo Khoai Lang Thang, bánh tét và bánh cặp là hình tượng Linga (tượng trưng cho đàn ông) và Yoni (tượng trưng cho phụ nữ). Những nguyên liệu cần chuẩn bị cho hai loại bánh này gồm có gạo nếp, đậu phộng, đậu xanh và lá chuối để gói bánh.

Sau khi giã nhuyễn đậu phộng, người dân đem trộn đều với đậu xanh đã được hấp chín từ trước để làm nhân bánh tét. “Mọi người sẽ thấy bánh này nó giống với bánh tét của người Kinh mình, nhưng mà bánh này thường dùng để cúng thì sẽ không có bỏ thịt heo vô… Bánh tét khi cúng sẽ chỉ dùng nhân đậu chay”, Khoai chia sẻ.

Nhân bánh được làm từ đậu xanh và đậu phộng xay nhuyễn, phần bánh nấu từ gạo nếp và đậu phộng. Ảnh: Khoai Lang Thang.

Người dân dùng hai lớp lá chuối để gói bánh. Phần dây buộc bánh không cần quá chặt như ở bánh tét của người Kinh.

Cặp bánh tét của người Chăm chuẩn bị cho lễ hội Kate. Ảnh: Khoai Lang Thang.

Bánh cặp thì khác bánh tét ở chỗ sẽ bánh sẽ không có nhân đỗ. Người Chăm đổ gạo nếp lên lá chuối rồi gấp hai đầu gói lại trước khi ghép hai chiếc thành một cặp.

Bánh cặp của người Chăm tượng trưng cho người phụ nữ. Ảnh: Khoai Lang Thang.

Sau công đoạn gói, bánh tét và bánh cặp sẽ được luộc trong nồi lớn trong khoảng 5-6 tiếng. Khoai Lang Thang cho hay, không chỉ dùng để cúng thần linh vào dịp lễ hội Kate, bánh tét và bánh cặp còn được dùng rất nhiều trong lễ tế và cuộc sống đời thường như đám tang, lễ cúng gia tiên, lễ hỏi, cưới…

Bánh gừng (hay bánh nòm ya)

Là một trong những loại bánh rất nổi tiếng của người Chăm, bánh gừng có hình dáng như củ gừng và được làm từ các nguyên liệu chính là bột nếp, trứng, đường, gừng tươi cùng chút men rượu. Để làm món bánh này, trước hết, bột nếp được nhồi thật kĩ với trứng (không thêm nước) thành hỗn hợp có màu vàng. Phần xác gừng sau khi giã nhuyễn chắt đổ nước sẽ được trộn vào hỗn hợp bột này.

“Bánh gừng đặc biệt ở chỗ nguyên liệu thì đơn giản nhưng nó cầu kì vì phải nắn làm sao cho đẹp á mọi người. Người ta hay nói đùa cái bánh gừng là thước đo sự khéo léo của người phụ nữ Chăm”, Khoai nói.

Những người phụ nữ Chăm lớn tuổi tụ họp cùng nặn bánh gừng trước lễ hội Kate. Ảnh: Khoai Lang Thang.

Bánh gừng sau đó sẽ trải qua hai giai đoạn là chiên ngập trong chảo dầu và bọc đường trong chảo nước đường. “Chiên lên mọi người sẽ nghe được mùi gừng thoang thoảng trong cái bánh nó tỏa ra”, Khoai vừa hít hà mùi thơm của bánh vừa nói.

Bánh gừng đã chiên dầu được nhúng sang chảo nước đường đang sôi để bọc đường. Ảnh: Khoai Lang Thang.

Bánh thửng (hay bánh thuẫn)

Quá trình làm bánh thửng bắt đầu với việc đánh nổi bông hỗn hợp trứng, đường. Vài giọt rượu trắng sau đó sẽ được cho vào hỗn hợp trong lúc người làm bánh vẫn tiếp tục đánh thật đều tay. “Sau khi bỏ rượu vô và tiếp tục đánh lên nó rất là thơm mọi người, nó dậy cái mùi lên đặc biệt lắm”, Khoai cảm thán.

Ngoài rượu trắng, người Chăm còn bỏ thêm một loại nguyên liệu đặc biệt khác đó chính là nước quýt để dung dịch dễ nổi bông, bánh cũng dễ nở và có mùi thơm. Khoai được chia sẻ có thể dùng nước chanh, quất hoặc nước me để thay thế loại nước quýt này.

Khi hỗn hợp trứng, đường, rượu và nước quýt đã được đánh bông, người làm bánh thêm bột mì vào hỗn hợp rồi tiếp tục trộn đều. Sau khi hỗn hợp bột được đổ ra khuôn, bánh thửng sẽ được nướng giữa hai lớp lửa than.

Khay bánh đặt ở giữa trên chiếc bếp được thiết kế riêng để nướng bánh thửng. Ảnh: Khoai Lang Thang.

“Rất là thơm, cái vỏ ngoài hơi giòn giòn, thơm thơm vani, thơm mùi trứng”, anh chàng Khoai liên tục tấm tắc khi ăn thử chiếc bánh thửng đầu tiên ra lò.

Biểu cảm hạnh phúc của Khoai khi được ăn chiếc bánh thửng nóng giòn mới ra lò. Ảnh: Khoai Lang Thang.

 

Những chiếc bánh thửng tròn trĩnh cực ngon mắt của người Chăm. Ảnh: Khoai Lang Thang.

Chia sẻ về những món bánh truyền thống của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận trước ngày lễ hội Kate, Khoai Lang Thang thu hút rất nhiều sự quan tâm của người xem YouTube. “Xem thích quá, lần đầu mình biết đến Tết truyền thống của người Chăm. Thanks”, tài khoản schwarz nguyen garden – cuộc sống Đức bình luận. 

“Thật sự rất thích những video của anh với lời dẫn gần gũi với người dân miền Tây như em. Chúc anh có nhiều video hay hơn nữa”, tài khoản Trần Quang Thời viết.

Bài viết liên quan